BAN AN TOÀN GIAO THÔNG TỈNH THÁI NGUYÊNhttps://atgtthainguyen.org.vn/uploads/logo.png
Thứ hai - 03/07/2023 05:390
Nhằm chủ động trong công tác phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh trong mùa mưa lũ năm 2023, Sở GTVT Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch chi tiết ứng phó với các tình huống xảy ra.
Thái Nguyên là một tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Bắc Bộ, với địa hình miền núi, tình trạng sụt, trượt taluy nền đường và ngập úng thường xuyên xảy ra trong mùa mưa trên các tuyến giao thông. Trong đó, có một số tuyến đường có nguy cơ sạt lở cao như: Tuyến Quốc lộ 3C, Quốc lộ 37, ĐT 263, ĐT269D, ĐT270… Một số vị trí vượt sông, suối không đảm bảo thoát lũ gây ách tắc giao thông nhiều giờ như một số ngầm trên Quốc lộ 17, đường tỉnh 269D, đường tỉnh 271, 265... Trên các tuyến đường tỉnh còn tồn tại rất nhiều mái dốc taluy không ổn định có nguy cơ sạt lở trong mùa mưa, bão.
Để đảm bảo an toàn giao thông, giao thông thông suốt, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Thái Nguyên cho biết: “Công tác phòng, chống thiên tai, đảm bảo giao thông là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian cao điểm xảy ra mưa bão từ khoảng từ tháng 5 đến hết tháng 11 hàng năm. Do đó, Sở đã yêu cầu các đơn vị phải thường xuyên kiểm tra đôn đốc, chỉ đạo sát sao từng khâu, từng bộ phận, phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ”. Theo đó, Sở GTVT Thái Nguyên đã xây dựng phương án phân luồng trên hệ thống quốc lộ, đường tỉnh khi có tình huống xảy ra để đảm bảo giao thông luôn được an toàn, thông suốt. Đối với các tuyến đường sẽ phân công trách nhiệm, tổ chức phối hợp triển khai thực hiện. Với tinh thần chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để ứng phó kịp thời đối với các loại hình thiên tai, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, Sở GTVT chỉ đạo thực hiện phương châm "bốn tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và "ba sẵn sàng" (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả). Nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác trong cán bộ, công chức, viên chức ngành Giao thông vận tải về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Bên cạnh đó, kiểm tra các tuyến đường có nguy cơ xảy ra mất an toàn trước mùa mưa, bão, sau đó cảnh báo các vị trí, đoạn tuyến thường xuyên có nguy cơ xảy ra sạt lở tắc đường. Tiến hành sửa chữa các tuyến đường giao thông bị hư hỏng; sửa chữa ngầm và nạo vét dòng chảy; xây dựng, nâng cấp tường chắn ta luy... Chuẩn bị nhân lực, máy móc, thiết bị, vật liệu, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra. Đồng thời xử lý vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và hành lang an toàn đường bộ, đặc biệt các vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường; xây dựng lều quán, ki-ốt bán hàng, dựng rạp để vật tư, hàng hóa trong phạm vi lòng, lề đường, taluy; xử lý các điểm dừng, đỗ xe trái quy định; mở đấu nối trái phép. Yêu cầu các nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, đường thủy nội địa theo dõi tình hình thời tiết trên địa bàn để nhanh chóng bố trí lực lượng trực gác, hướng dẫn giao thông tại các vị trí có nguy cơ bị nước ngập sâu, chảy xiết, nhất là qua ngầm, tràn, bến phà, cầu phao, đò ngang. Ngầm tràn ngập sâu từ 0,5m trở lên phải cử người đứng gác đóng barie tạm thời không cho người và phương tiện qua lại. Đặc biệt, Sở đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN từ Sở đến các đơn vị, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và các đơn vị đảm bảo thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành, thông tin, phối hợp kịp thời sâu sát thực hiện phương án chi tiết theo nhiệm vụ được giao. Chỉ đạo các đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ thường xuyên kiểm tra, cập nhật tình trạng hệ thống cầu, cống, kè, tràn, ngầm, cây xanh, hệ thống an ninh trên các tuyến do các đơn vị trực tiếp quản lý. Có phương án phân luồng đảm bảo giao thông, điều tiết phương tiện qua lại những vị trí thường xảy ra ngập lụt. Chỉ đạo các đơn vị thi công có phương án đảm bảo an toàn, đảm bảo giao thông trên các tuyến đường bộ vừa thi công vừa khai thác; chú ý điều phối, phối hợp các lực lượng thi công của các dự án. Triển khai xử lý nhanh các vị trí xung yếu khi có chủ trương. Thực hiện ngay biện pháp đảm bảo giao thông các vị trí cấp bách trong khi chờ chủ trương xử lý. Phối hợp với các ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố tiến hành kiểm tra chất lượng hệ thống công trình của địa phương, kiểm tra các vị trí tiềm ẩn nguy hiểm, các phương tiện vận tải thuỷ, phao tiêu, biển báo, các vị trí neo đậu tàu thuyền. Tổ chức kiểm tra thực trạng tất cả các cầu treo trên địa bàn tỉnh, xác định thực trạng hư hỏng, yêu cầu các địa phương có những biện pháp xử lý ngay những cầu nguy hiểm. Kiểm tra, hướng dẫn việc giảm tải phương tiện và đảm an toàn các cầu treo, bến đò trong mùa bão, lũ. Đôn đốc các địa phương quan tâm hệ thống cầu treo, cầu phao. Cắm đầy đủ các biển hướng dẫn cho người và các phương tiện qua cầu, tiến hành bảo trì, bảo dưỡng cáp chủ, mặt cầu, cổng cầu... kịp thời sửa chữa ngay những hư hỏng. Khi có nước lũ dâng cao, gió to, dông lốc lớn không đảm bảo an toàn có nguy cơ làm trôi cầu phải cấm người và các loại phương tiện qua lại trên cầu.
Sau mỗi đợt có thiên tai xảy ra, các đơn vị báo cáo, cập nhật thường xuyên về Sở tình hình thiệt hại: Thời gian, khối lượng, địa điểm và khả năng khắc phục của đơn vị. Từ đó kịp thời có chỉ đạo xử lý. Với mục tiêu bảo đảm an toàn giao thông và giao thông thông suốt, Sở giao thông vận tải Thái Nguyên đã xây dựng các phương án cụ thể, dự báo các tình huống xảy ra, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, phương tiện và nguồn lực để kịp thời xử lý mọi tình huống xảy ra trong mùa mưa bão. Đồng thời thực hiện tốt công tác phối hợp với các ngành và địa phương, nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, tránh thiên tai của toàn dân, sẵn sàng huy động lực lượng và phương tiện tham gia phòng, chống thiên tai.