Văn hóa giao thông phải từ ý thức

Thứ hai - 29/01/2024 21:30 0
Không phải ngẫu nhiên mà chủ đề xuyên suốt 2 năm qua trong chương trình hưởng ứng Năm an toàn giao thông (ATGT) do Ủy ban ATGT quốc gia phát động đều liên quan đến văn hóa giao thông. Điều đó cho thấy "sức nặng" của văn hóa giao thông trong các nhóm giải pháp nhằm bảo đảm ATGT cho người dân. Bởi dù có dùng biện pháp gì, cách thức ra sao thì vấn đề cốt lõi nhất vẫn là ý thức, văn hóa của người dân khi tham gia giao thông.
Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh năm 2023, tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn giảm cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, nguyên nhân cơ bản dẫn đến TNGT chủ yếu là do ý thức của người tham gia giao thông.
Cụ thể, trong số 134 vụ TNGT, nguyên nhân gây TNGT nhiều nhất là người điều khiển vi phạm liên quan đến chuyển hướng 24 trường hợp; vi phạm làn đường, phần đường 22 trường hợp; không nhường đường 7 trường hợp; sử dụng rượu bia 7 trường hợp…
Nhiều người vi phạm các quy tắc khi tham gia giao thông dẫn đến các vụ TNGT gây thiệt hại về người và tài sản
Đáng buồn là tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự ATGT vẫn diễn ra rất phổ biến, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi. Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng chức năng đã xử lý 12 vụ việc có dấu hiệu thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên tuyến giao thông; phát hiện 23 trường hợp sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Các lực lượng chức năng đã điều tra, làm rõ 1 vụ gây rối trật tự công cộng trên tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới; khởi tố 7 đối tượng có hành vi "bốc đầu" xe mô tô. Công an các huyện, thành phố khởi tố 7 bị can về hành vi chống người thi hành công vụ liên quan đến trật tự ATGT.
Năm 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền 893 buổi tại các trường học với 288.006 học sinh và 23.024 giáo viên tham gia, tổ chức ký cam kết đối với 264.929 học sinh, sinh viên; xây dựng mới và duy trì 581 mô hình “Cổng trường ATGT” tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Công tác tuyên truyền còn được đẩy mạnh đến các khu dân cư.
Tuy nhiên, nhiều người tham gia giao thông vẫn vô tư vi phạm các quy định, gây mất an toàn cho bản thân và những người xung quanh.
Vào thời điểm tan tầm các trường học, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh các ông, bà, bố mẹ, anh chị đi đón con, em, cháu bằng xe máy nhưng chỉ người lái xe đội mũ bảo hiểm, còn người ngồi sau không có mũ bảo hiểm. Rồi tình trạng ùn tắc giao thông tại các cổng trường, một số người bán hàng rong tập trung dọc hai bên đường trước cổng trường, lấn chiếm vỉa hè, nơi đậu xe để bán hàng…
Chị N.T.T, có con học tại Trường Tiểu học Đội Cấn 1 (TP. Thái Nguyên), nói: Trong quá trình đưa đón con, tôi thấy một số phụ huynh ý thức rất kém, đỗ xe sát cổng trường vào khung giờ cao điểm gây ùn tắc giao thông. Cũng do tình trạng trên nên những người chấp hành tốt quy định cảm thấy rất khó chịu, góp ý thì dẫn đến đôi co, cãi cọ trước cổng trường. Còn tình trạng phụ huynh, người nhà đưa đón con không cho các cháu đội mũ bảo hiểm vẫn diễn ra khá phổ biến. Mặc dù nhà trường đã tuyên truyền song ý thức văn hóa khi tham gia giao thông phụ thuộc vào mỗi người dân.
Trên diễn đàn OTOFUN Thái Nguyên có rất nhiều hình ảnh không đẹp của người dân trong và ngoài tỉnh khi tham gia giao thông được đưa lên và nhận nhiều ý kiến, góp ý của cộng đồng mạng. Những hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, thiếu ý thức khi tham gia giao thông, cư xử thiếu văn hóa khi xảy ra va chạm giao thông đều bị lên án gay gắt.
Để hình thành và duy trì, xây dựng văn hóa giao thông, phấn đấu tiếp tục kéo giảm TNGT từ 5% trở lên trên cả 3 tiêu chí theo đề án “Tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025” của tỉnh, năm 2024, Ban ATGT tỉnh đề ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”.
Văn phòng Ban ATGT phối hợp với Phòng CSGT Công an tỉnh đẩy mạnh nhiều hình thức tuyên truyền ATGT đến người dân
Theo đó, Ban ATGT tỉnh tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số; vận động, hướng dẫn việc lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự ATGT vào chương trình, kế hoạch và hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp.  
Việc xây dựng văn hóa giao thông là một vấn đề khó, cần quá trình lâu dài, bền bỉ, nhưng không phải không thể làm được. Giống như việc tuyên truyền đội mũ bảo hiểm, nội dung và cách thức tuyên truyền về văn hóa giao thông cũng cần được triển khai theo hướng "mưa dầm thấm lâu".

 

Hằng Nga

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây