Cảnh sát giao thông có thể dùng dữ liệu giám sát hành trình để xử phạt

Thứ tư - 13/09/2023 05:58 0
Cùng với Sở GTVT địa phương, tới đây, lực lượng cảnh sát giao thông cũng sẽ được chia sẻ dữ liệu giám sát hành trình xe vận tải phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Tăng cường chia sẻ dữ liệu giám sát hành trình

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái.
Một trong những điểm đáng chú ý tại Dự thảo Thông tư sửa đổi lần này là việc bổ sung quy định: Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) có trách nhiệm cung cấp tài khoản truyền dữ liệu các đơn vị vận tải hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ để truyền dữ liệu; tài khoản đăng nhập vào hệ thống thông tin cho Bộ GTVT, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Phòng CSGT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan thuế, hải quan khi có đề nghị bằng văn bản.
CSGT có thể xử lý vi phạm thông qua thiết bị giám sát hành trình xe
CSGT có thể xử lý vi phạm thông qua thiết bị giám sát hành trình xe ô tô
Cơ quan này cũng cần cấp bổ sung hoặc cấp lại tài khoản cho các đơn vị có nhu cầu trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị.
Dự thảo cũng quy định: Đối với đơn vị đã được cung cấp tài khoản và mật khẩu đăng nhập vào cơ sở dữ liệu của Cục ĐBVN vi phạm các quy định về khai thác dữ liệu hoặc quản lý, bảo mật tài khoản, Cục ĐBVN có thể tạm dừng hoặc khóa tài khoản.
Dự thảo quy định rõ: Việc cung cấp này nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật và công tác khác để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống buôn lậu, thuế.
Chia sẻ với Báo Giao thông, lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái một số địa phương cho biết, đề xuất này là cần thiết giúp nâng cao hiệu quả của công tác quản lý, xử lý vi phạm xe kinh doanh vận tải.
Nếu dự thảo được thông qua, tới đây, CSGT cũng sẽ được khai thác, sử dụng dữ liệu giám sát hành trình xe vận tải để phục vụ công tác kiểm tra, so sánh đối chiếu dữ liệu nhằm xác định vi phạm của phương tiện, từ đó, đấu tranh với vi phạm, nhất là những trường hợp có dấu hiệu chây ì, không hợp tác, góp phần củng cố căn cứ, cơ sở để xử phạt.
Nói thêm về đề xuất này, lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái - Cục ĐBVN cho biết, theo quy định tại Nghị định 47/2022, dữ liệu GSHT được sử dụng để phục vụ công tác quản lý điều hành của doanh nghiệp vận tải, phục vụ công tác quản lý nhà nước của ngành GTVT và phục vụ quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông của ngành Công an (trong đó có xử phạt nguội).

Dùng dữ liệu giám sát hành trình để xử phạt vi phạm hành chính

Theo tìm hiểu, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Sở GTVT theo dõi, chấn chỉnh, xử lý các vi phạm trong hoạt động vận tải đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, lái xe vi phạm.
Trường hợp hệ thống của Cục ĐBVN gặp sự cố kỹ thuật, Sở GTVT yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp tài khoản truy cập vào hệ thống của đơn vị kinh doanh vận tải để khai thác dữ liệu.
Dự thảo cũng quy định rõ việc xử lý vi phạm của Sở GTVT qua khai thác, sử dụng dữ liệu trên hệ thống thông tin của Cục ĐBVN.
Cụ thể, để thực hiện rà soát, kiểm tra tính chính xác các thông tin của kết quả trích xuất. Thông báo kịp thời đến Cục ĐBVN đối với các trường hợp dữ liệu có sự bất thường hoặc cần phải xem lại kết quả tính toán.
Đối với các trường hợp xử lý vi phạm thu hồi phù hiệu, biển hiệu, trước khi ra quyết định thu hồi, Sở GTVT thực hiện kiểm tra dữ liệu chi tiết, gửi văn bản thông báo, yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải rà soát, kiểm tra đối với từng trường hợp để đảm bảo tính chính xác, xử lý đúng các trường hợp vi phạm theo quy định.
Đối với trường hợp xử phạt vi phạm hành chính, Sở GTVT kiểm tra dữ liệu chi tiết, thực hiện quy trình xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Tăng trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải

Tại quy định về trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải, dự thảo quy định rõ, đơn vị kinh doanh vận tải phải truyền dẫn chính xác, đầy đủ dữ liệu theo quy định của thông tư này về Cục ĐBVN. Cung cấp mật khẩu truy cập vào cơ sở dữ liệu, thuật toán giải mã trong trường hợp có thông tin được mã trong cơ sở dữ liệu của đơn vị cho cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu bằng văn bản.
Ngoài ra cũng bổ sung quy định: cung cấp tài khoản (tên đăng nhập, mật khẩu) để truy cập vào phần mềm khai thác, sử dụng dữ liệu của đơn vị cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu. Quy định này được đề xuất để khi hệ thống của Cục ĐBVN gặp sự cố kỹ thuật vẫn đảm bảo việc khai thác, sử dụng dữ liệu không bị gián đoạn.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải ngoài xử lý trách nhiệm quản lý, theo dõi, khai thác, sử dụng dữ liệu đối với các cá nhân, bộ phận liên quan theo quy định; chấn chỉnh, nhắc nhở và xử lý kịp thời người lái xe vi phạm theo nội quy, quy chế của đơn vị, cũng cần chịu trách nhiệm trong trường hợp không theo dõi để nhắc nhở, xử lý kịp thời các trường hợp lái xe vi phạm dẫn đến tai nạn giao thông.
Quy định này góp phần tăng trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải trong việc theo dõi, quản lý phương tiện, người lái qua thiết bị giám sát hành trình, từ đó, giảm vi phạm giao thông, đảm bảo an toàn cho lái xe, hành khách và phương tiện tham gia giao thông khác.
Đối với đơn vị cung cấp dịch vụ, dự thảo đề xuất bổ sung trách nhiệm cung cấp mật khẩu truy cập vào cơ sở dữ liệu, thuật toán giải mã trong trường hợp có thông tin được mã trong cơ sở dữ liệu cho cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu bằng văn bản.

 

Yến Chi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây