BAN AN TOÀN GIAO THÔNG TỈNH THÁI NGUYÊNhttps://atgtthainguyen.org.vn/uploads/logo.png
Thứ hai - 13/05/2024 05:530
Thời gian qua, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) khu vực miền núi, biên giới ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, nhận thức về pháp luật của người dân ở khu vực này vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là các kiến thức về pháp luật và ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật trong tham gia giao thông. Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được Ban ATGT tỉnh và lực lượng chức năng thực hiện thường xuyên đã góp phần tác động tích cực đến ý thức của bà con dân tộc thiểu số.
Trong những năm qua, từ Chương trình xây dựng nông thôn mới hạ tầng giao thông ở khu vực miền núi của tỉnh Thái Nguyên đã có sự thay đổi rõ nét. Từ những tuyến đường đi lại khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao thì nay đã được thay bằng các đoạn đường trải bê tông nhẵn mịn, tạo thuận lợi cho người dân lưu thông, thông thương hàng hoá. Tuy nhiên, khi hạ tầng giao thông được cải thiện thì lại xảy ra tình trạng người dân chủ quan không chấp hành các quy định an toàn khi tham gia giao thông nên đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc. Trước thực trạng đó, Ban An toàn giao thông tỉnh Thái Nguyên đã tích cực phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông cho người dân vùng cao, miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Nội dung tuyên truyền sinh động, dưới nhiều hình thức như: Lồng ghép tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông thông qua các hội nghị ở xã, xóm, các tổ chức đoàn thể; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực quan bằng những hình ảnh, video sinh động, dễ hiểu, phù hợp với phong tục tập quán của từng dân tộc; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức ra quân tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về Luật giao thông đường bộ. Với việc tích cực phối hợp tuyên truyền, cách giải thích dễ hiểu, dễ nhớ đã giúp bà con dân tộc thiểu số từng bước nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông nên so với những năm trước đây, thì số trường hợp vi phạm bị xử lý đã có chiều hướng giảm. Võ Nhai là huyện vùng cao nên lượng người tham gia giao thông bằng xe gắn máy lại khá lớn. So với trước đây thì hiện nay, ý thức chấp hành Luật giao thông của bà con đã được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn có một số thành phần trong lứa tuổi thanh niên điều khiển xe gắn máy còn vi phạm các lỗi như: Không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ hoặc chở người quá quy định và vẫn còn tình trạng bà con dân tộc thiểu số không mang theo giấy tờ xe khi tham gia giao thông. Ông Nguyễn Anh Thống, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT huyện Võ Nhai, cho biết: Nhận thức của một bộ phận người dân về Luật Giao thông đường bộ còn hạn chế; đồng bào sống rải rác ở triền núi, xa trung tâm xóm, xã, khu vực tổ chức hoạt động tuyên truyền là những khó khăn trong thực hiện công tác tuyên truyền về trật tự ATGT trên địa bàn huyện Võ Nhai. Trong khi đó, lượng phương tiện những năm gần đây đã gia tăng, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, xa đã điều khiển mô tô, xe gắn máy ra trung tâm huyện, tỉnh nên rất cần tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ thường xuyên, để người dân hiểu và chấp hành đúng quy định. Để thực hiện tốt hơn công tác này, thời gian tới, Ban ATGT huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các thành viên trong Ban tổ chức nhiều buổi tuyên truyền với hình thức khác nhau tại khu vực vùng sâu, xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Cũng như đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện vùng cao Võ Nhai, những năm gần đây, nhận thức của người dân trên địa bàn huyện Định Hóa về chấp hành Luật giao thông đường bộ đã được nâng lên đáng kể. Có được kết quả này là do Ban ATGT huyện, Công an huyện Định Hóa đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương tổ chức tuyên truyền và thu hút nhiều người dân tham gia. Bà con không chỉ tiếp cận với những hình ảnh sinh động về các quy định bắt buộc cần nắm vững khi tham gia giao thông, cách phòng ngừa tai nạn giao thông, mà cán bộ Đội cảnh sát giao thông, Công an huyện Định Hóa còn trực tiếp nói chuyện chuyên đề liên quan đến Luật giao thông đường bộ. Mặt khác, hệ thống loa truyền thanh xóm bản cũng được phát huy, Văn phòng Ban ATGT tỉnh đã biên tập, xây dựng nội dung tuyên truyền cấp cho các địa phương tuyên truyền hàng ngày trên hệ thống loa phát thanh xóm bản. Hiện nay, đời sống của người dân ở vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã khá lên nhiều so với trước đây. Do đó, hầu như các hộ dân đều mua được xe máy để có phương tiện đi lại. Tuy nhiên, ý thức chấp hành Luật an toàn giao thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy, lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an các huyện trên địa bàn tỉnh đã phải đến từng thôn, xóm để tổ chức vận động, tuyên truyền với nhiều hình thức như phát tờ rơi, tổ chức cho người dân học Luật giao thông đường bộ, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thượng úy Đỗ Duy Nam, Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông, Công an huyện Định Hóa thông tin rằng: “Huyện vùng cao miền núi Định Hóa có đến hơn 70% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong thời gian vừa qua, thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo Công an huyện cũng như Ban an toàn giao thông huyện, chúng tôi đã tiến hành đồng bộ các giải pháp nhằm góp phần đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn”. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm Luật giao thông đường bộ, hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với ngành liên quan tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về an toàn giao thông cho cán bộ phòng Dân tộc các huyện, trưởng xóm và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, với các nội dung như: Tình hình tai nạn giao thông trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về an toàn giao thông; thực trạng an toàn giao thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi… Thực tế cho thấy, sau nỗ lực tuyên truyền an toàn giao thông, phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số đã hiểu được tầm quan trọng trong chấp hành các quy định của Luật giao thông đường bộ. Tuy nhiên, để những hiểu biết đó thực sự trở thành nhận thức và biến thành hành động tích cực trong mỗi người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì rất cần sự tham gia tích cực của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở cơ sở vào cuộc nghiêm túc. Ông Trần Văn Long, Phó trưởng Ban ATGT tỉnh cho biết “Trong những năm qua, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo đến Ban ATGT các cấp cơ sở, quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông nói chung, trong đó đặc biệt quan tâm đến người dân khu vực nông thôn, miền núi và vùng đồng bào dân tộc. Nội dung và hình thức tuyên truyền phải sinh động, hấp dẫn phù hợp với đặc điểm, cách sinh hoạt của người dân tộc miền núi…” Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phấn đấu mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí, thời gian tới Ban An toàn giao thông tỉnh Thái Nguyên tiếp tục triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, trong đó việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân tuân thủ các quy định an toàn khi tham gia giao thông đã và sẽ được thực hiện thường xuyên hơn.