Xây dựng văn hóa giao thông cần 3 yếu tố cấu thành

Chủ nhật - 17/03/2024 22:40 0
Văn hóa giao thông (VHGT) được cấu thành bởi 3 yếu tố: Chủ thể con người tham gia giao thông; Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông; Hệ thống chính sách, pháp luật quản lý giao thông. Ba yếu tố này tạo thành một môi trường VHGT tổng thể toàn diện và đầy đủ, tác động hỗ trợ với nhau xây dựng xã hội có nền VHGT.
Những năm qua, tình hình trật tự an toàn giao thông đã và đang trở thành vấn nạn của xã hội. Những hậu quả vô cùng nghiêm trọng của nó làm nguy hại đến tính mạng hàng chục nghìn người mỗi năm, hàng nghìn người chết, bị thương, hàng trăm vụ ùn tắc giao thông gây tổn thất về kinh tế và phát triển xã hội.
Có 3 nguyên nhân cơ bản gây nên thiếu trật tự an toàn giao thông, là: do con người, do cơ sở hạ tầng và phương tiện tham gia giao thông.
Về con người: qua thống kê năm 2020 các vụ TNGT có tới 85,5% số vụ là do lỗi người tham gia giao thông gây ra, như: chạy quá tốc độ, tránh vượt, đi không đúng phần đường, sử dụng rượu bia và các quy tắc giao thông khác. Đó thuộc về ý thức chủ quan của con người, vi phạm này ở tất cả các đối tượng, địa bàn, lứa tuổi, trong đó chiếm một phần rất lớn là thanh thiếu niên.
Văn phòng Ban ATGT tỉnh Thái Nguyên trao tặng bộ mô hình học cụ ATGT cho học sinh mầm non
Về kết cấu hạ tầng giao thông: Tuy đã được nâng cấp cải tạo nhưng thực tế chưa đáp ứng được nhu cầu gia tăng và khả năng lưu thông phương tiện.
Về phương tiện tham gia giao thông: Phát triển quá nhanh chưa hài hòa với kết cấu hạ tầng giao thông. Phương tiện giao thông công cộng chưa đáp ứng yêu cầu, phương tiện cá nhân phát triển quá nóng, quá mạnh.
Ngoài ra còn một loạt nguyên nhân khác như: Công tác quy hoạch tổng thể chiến lược ATGT quốc gia còn nhiều bất cập chưa đồng bộ; sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng, công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật chưa được coi trọng... Đó là những nguyên nhân khách quan tác động đến yêu cầu xây dựng văn hóa giao thông hiện nay.
Ba yếu tố cấu thành VHGT
Xây dựng chủ thể VHGT:
Con người có VHGT phải có hiểu biết sâu sắc và luôn chấp hành đầy đủ Luật giao thông. Người có văn hóa giao thông còn thể hiện ý thức cộng đồng qua việc tuyên truyền giáo dục gia đình, làng xóm, khối phố, cơ quan, đơn vị... cùng chấp hành nghiêm luật giao thông và lên án đấu tranh với những người có hành vi thiếu văn hóa, thói hư tật xấu khi tham gia giao thông.
Người biết cư xử có văn hóa khi tham gia giao thông thể hiện qua một số hành vi khi tham gia giao thông như:
- Tham gia giao thông điềm đạm, từ tốn, bình tĩnh, đúng tốc độ, đúng phần đường, không chở hàng cồng kềnh cản trở người khác.
- Nhường nhịn xe khi tránh nhau, khi vào đường giao nhau khi chuyển hướng, cho người đi bộ qua đường, cho ưu tiên, nhường nhịn nhau khi đón trả khách, khi chở hàng, nhường chỗ cho người già, trẻ em, phụ nữ, người tàn tật.
- Không gây ảnh hưởng đến sự yên tĩnh chung, không dùng còi vào ban đêm, vứt xả rác ra đường phố, chở vật liệu rơi vãi ra đường.
- Tuân thủ các hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, biển báo, đèn tín hiệu, vạch kẻ đường, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô xe máy, xe đạp điện, không sử dụng rượu bia khi lái xe...
- Không lấn chiếm hành lang giao thông, cản trở giao thông, phơi thóc lúa, rơm rạ, để vật liệu xây dựng trên đường...
- Có tinh thần tương trợ giúp đỡ người đi đường khi gặp hoạn nạn, khó khăn.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông:
- Đường xá phải được xây dựng đáp ứng ngày càng lớn nhu cầu phương tiện giao thông.
- Các công trình báo hiệu đường bộ được xây dựng ngày càng nhiều, đầy đủ.
- Bến bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí giao thông hợp lý.
- Phát triển hài hòa phương tiện công cộng và cá nhân.
- Các trường lớp đào tạo lái xe được đầu tư, nâng cao chất lượng.
Cơ sở hạ tầng của Thái Nguyên ngày càng được đầu tư xây dựng (Cầu vượt đường sắt TP Thái Nguyên)
Hệ thống chính sách pháp luật, quản lý giao thông mạnh mẽ quyết liệt đồng bộ.
- Các chính sách pháp luật giao thông phải đầy đủ, đồng bộ đáp ứng thực tiễn.
- Trang thiết bị cho các cơ quan chức năng quản lý, giám sát, kiểm tra ngày càng được tăng cường.
- Nâng cao trách nhiệm, chống tiêu cực sai phạm trong hoạt động của các cơ quan quản lý: Xây dựng phát triển cầu đường, sát hạch đào tạo lái xe, thanh tra kiểm tra, kiểm soát vi phạm...
Giải pháp xây dựng VHGT
Có nhiều giải pháp để tác động xây dựng và hình thành nét đẹp VHGT:
- Điều đầu tiên và quan trọng là toàn xã hội cùng chung tay có các biện pháp tác động đến chủ thể người tham gia giao thông.
+ Tác động đến các cá nhân và từng gia đình: Gia đình là tế bào của xã hội, từng tế bào tốt thì xã hội mới tốt. Qua thực tế rất nhiều vụ vi phạm và TNGT đi sâu tìm hiểu việc giáo dục, quản lý người thân trong gia đình, gia đình nào nề nếp thì vợ chồng con cái chấp hành tốt, gia đình nào buông lỏng không quan tâm coi thường thì thường có người vi phạm thậm chí gây tai nạn giao thông. Từng người, từng cá nhân dù lớn nhỏ đều phải tự tu dưỡng rèn luyện đạo đức, văn hóa nói chung và VHGT nói riêng. Đó chính là giáo dục nhân cách, ý thức tuân thủ pháp luật từ khi còn nhỏ. Các cụ ta thường dạy: "Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà". Các biểu hiện nuông chiều con cái, hoặc cha mẹ người lớn không gương mẫu... đều trực tiếp ảnh hưởng tới con cái.
+ Cộng đồng xã hội: Đẩy mạnh việc tuyên truyền TTATGT, vận động mọi người, các cơ quan, đơn vị, các ngành, các cấp cùng thực hiện tạo dư luận lên án đấu tranh với những biểu hiện thiếu ý thức, thiếu VHGT chống thói thờ ơ lãnh đạm và phải coi những vi phạm luật giao thông và gây TNGT là hành vi không có đạo đức thậm chí là tội ác phải lên án đấu tranh có như vậy mới có xã hội kỷ cương được.
+ Các cơ quan chức năng: Nghiên cứu ban hành các chính sách pháp luật đồng bộ, phát triển cơ sở hạ tầng kĩ thuật đáp ứng cho việc hình thành VHGT.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm, kết hợp tuyên truyền giáo dục với kiểm tra giám sát xử lí nghiêm các hành vi vi phạm tạo cho người tham gia giao thông có ý thức tuân thủ pháp luật. Người thi hành công vụ phải là người gương mẫu, có văn hóa; tư thế tác phong, gần như là mẫu để vừa có sức thuyết phục, vừa tạo sự nghiêm minh của pháp luật. Xử lý nghiêm những người thi hành công vụ tiêu cực, sai phạm thiếu văn hóa khi làm nhiêm vụ.
+ Đảng viên đi trước, làng bước theo sau: Mỗi cán bộ Đảng viên, công chức, CBCS công an, quân đội, các đoàn thể... phải gương mẫu thực sự bằng hành động và việc làm có văn hóa giao thông để người dân noi theo.
Xây dựng các mô hình, biểu dương người tốt việc tốt, đồng thời có thi đua, khen thưởng với những cá nhân, đơn vị có thành tích; xử lý nghiêm các vi phạm kết hợp với thông báo về cơ quan, đơn vị, nơi cư trú, gia đình để cùng giáo dục.
- Từng bước tăng cường phát triển hệ thống cơ sở kĩ thuật giao thông, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của mọi người để tham gia giao thông thuận tiện, an toàn, hiệu quả trong điều kiện kinh phí cho phép đi đôi với việc hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, các trang thiết bị phục vụ hiệu quả cho việc quản lý đào tạo, sát hạch, kiểm soát ATGT của các cơ quan chức năng.
- Trong cuộc vận động xây dựng văn hóa giao thông hiện nay, với chức năng, nhiệm vụ của mình, lực lượng CAND nói chung và lực lượng CSGT nói riêng quyết tâm phấn đấu làm hết sức mình cùng các cấp các ngành và toàn dân để xây dựng nếp sống Văn hoá giao thông.
                                                                                         
 

Văn Tuyến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây